1. Dân chơi gà chọi miền Bắc không ai không biết đến các sới gà nổi tiếng như Ðình Bảng, Thổ Hà (Hà Bắc), Tây Phương (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội), Nghĩa Đô, Nghi Tàm (Hà Nội). Còn ở Nam bộ có gà Bình Định, Cao Lãnh (Ðồng Tháp), Bà Ðiểm (TP. Hồ Chí Minh), Bà Rịa, Bến Tre...
Ông Phan Thúc Tử, một người chơi gà chọi đã hơn 60 năm, "hồi hưu” về ở một làng sát chân đê sông Hồng mạn cầu Thăng Long. Ông Tử có không biết bao nhiêu kỉ niệm về gà chọi và những cuộc giao đấu "vô tiền khoáng hậu”. Ông Tử kể, sau ngày miền Nam giải phóng (tháng 4-1975), ông cồn cào cả gan ruột chỉ muốn mua vé lên tàu vào Nam ngay để tìm đến các xứ gà nổi tiếng mà ông từng được nghe kể từ những năm còn thơ bé. Nhưng lúc đó kinh tế khó khăn, lại phải nuôi con nhỏ nên ông không thể đi được. Mãi tới năm 1990, gia đình bớt khó, bà vợ cũng bớt kèo nhèo- theo cách nói của ông Tử, thì ông mới thực hiện được chuyến "hành phương Nam” đi tìm gà chọi.
Đầu tiên, tôi vào thị trấn Vạn Giã, thuộc huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), tìm tới nhà ông Bảy Đệ. Ông Tử kể. Ông Bảy Đệ nổi tiếng với dòng gà "xóm rách”. Tới bây giờ tôi vẫn không hiểu "xóm rách” là gì, chỉ biết là mới nhìn thấy con gà đứng trong cái lồng cao quây bằng lưới B40 là tôi đã ngơ ngẩn cả người. Con này nặng hơn 3,5 cân. Chân cao, cổ dài. Thường thì tôi vẫn cho là cổ gà chọi phải ngắn to thì mới khỏe. Nhưng không hiểu sao con này cổ dài nhưng vẫn đầy vẻ đe dọa. Ông Bảy Đệ hai chân giữ chặt con gà, một tay bóp cho mỏ nó mở ra, còn tay kia thì nhồi vào họng nó một con rắn nước to bằng ngón chân cái, dài khoảng 40 phân. Thế mà nó nuốt chửng.
Ông Tử kể tiếp, đêm đó ông thức giấc 3 lần, không phải vì lạ nhà khó ngủ mà vì mê con gà quá. Cứ len lén ra vườn mà ngắm.
Hôm sau, ông Bảy Đệ rủ ông Tử bắt xe vào nhà ông Tôn Thất Đệ ở thành phố Nha Trang. Theo ông Bảy Đệ, thì dòng họ nhà ông Tôn Thất Đệ đã tạo ra được riêng một dòng gà đá, mang từ Huế vào hơn trăm năm trước. Đây là dòng gà đá thuần chủng tinh tuyển, con trống bao giờ cũng mang hai màu lông là đen và trắng. Phần lông đen là chủ yếu, lông trắng chỉ điểm hai bên cánh, mỗi bên 5 chiếc. Dòng gà đá Tôn Thất Đệ này cứ 5 năm lại nảy ra một con thuộc loại bách chiến bách thắng. Ông Tôn Thất Đệ cho biết, gà của ông không bán cho người ngoài, chỉ bán cho người trong nội tộc. Ngay việc cho gà ăn, chăm sóc gà thế nào cũng chỉ dành cho đàn ông, không bao giờ đàn bà được dính vào vì sợ bí quyết gia truyền sẽ bị mất khi mà phụ nữ trong nhà đi lấy chồng.
Hai ông Đệ thấy ông Phan Thúc Tử mê gà quá, nên nảy sinh tình cảm quý mến. Họ ở lại Nha Trang 3 ngày, chỉ bàn chuyện đá gà. Các kinh nghiệm chọn gà, chăm sóc nó, nuôi nhốt trước khi giao phong được họ mang ra bàn thảo. Đến ngày thứ tư vẫn chưa đã, ba người rủ nhau vào Phan Thiết để xem dòng gà Chợ Lầu.
Dòng gà này nổi tiếng hung dữ, nó có thể lao vào bất cứ đối thủ nào cho dù to lớn hơn mình đến đâu đi nữa. Gà nòi Chợ Lầu không bao giờ phòng thủ, mà chỉ tấn công từ đầu đến cuối. Chính sự hiếu chiến này đã làm đối phương hoảng hốt, nhiều con phải bỏ chạy ngay từ hiệp đầu. Tuy nhiên, gà Chợ Lầu lại không phải là giống gà chịu trận. Tấn công liên miên không thắng, nó cũng để lộ nhiều sơ hở, đối thủ bình tĩnh lại được sẽ nhằm vào những yếu huyệt đó mà chiến thì chỉ sau vài miếng đòn hiểm gà Chợ Lầu sẽ thất bại.
Sau chuyến "hành phương Nam” ấy, ông Tử mang được ra Bắc ba con gà nòi rất quý hiếm. Ông Bảy Đệ tặng một con, ông Tôn Thất Đệ tặng một con còn con gà Chợ Lầu thì ông mua. Tiếc thay, khi ông mang gà ra trúng vào những ngày đông tháng giá, trời đất lạnh tê tái. Cả ba con gà đều không chịu được rét, cho dù ông Tử đã may áo cho chúng, trùm chăn cho chúng. Trước Tết nguyên đán thì chúng chết, chưa kịp phối giống với gà chọi xứ Bắc. Điều đó khiến ông Tử ân hận mãi.
2. Sau này, ông Phan Thúc Tử còn ngao du nhiều nơi để tìm hiểu và được ngắm những con gà chọi xuất sắc. Bình Định là nơi ông Tử dừng chân lâu nhất, nhiều lần ghé lại nhất. Những người chơi gà chọi ở đây cho biết, chọi gà gắn với tinh thần thượng võ của người Bình Định. Các tướng lĩnh Tây Sơn thuở trước cũng thường tổ chức những trận đá gà nảy lửa để động viên tinh thần binh sĩ. Dòng gà chọi Bình Định tầm vóc to lớn, xương to, cơ bắp phát triển, chân cao và to khoẻ, cựa ngắn, lớp da hoá sừng ở cẳng chân dày và cứng, Đặc biệt, giống gà này đá bằng sức mạnh của bàn chân chứ không phải bằng khả năng đâm xuyên của cựa.
Phần đầu, cổ, ngực, đùi của giống gà này rất thưa lông nhưng hai cánh lông lại rất dày, giúp chúng có khả năng cất cao mình để tung đòn đá. Mặt gà gọn gàng, thường không có tích, tai ít phát triển. Mào nhỏ và thấp; mỏ to, ngắn, nhọn và khoẻ; mắt nhỏ và sâu, mí mắt dầy. Loại gà này có thể nặng tới 5 cân, nhưng với người chơi gà đá, người ta tìm cách khống chế chúng trong độ cân thi đấu ở khoảng từ 3 cân đến gần 4 cân. Trong mức cân này, chúng có thể phát huy tốt nhất các đòn đá hay và hiểm.
Những người chơi gà chọi Bình Định thường chọn gà ngay từ khi chúng mới nở. Người ta quan sát đàn gà, nếu con nào tách bầy đi kiếm ăn một mình, hoặc đêm về không "rúc” vào nách gà mẹ thì được ưu tiên. Đặc biệt khi ngủ, con gà đó đối mặt với gà mẹ (gọi là chầu mỏ) thì càng tốt. Khi nó lớn lên một chút, cựa trổ, thì sẽ chọn con có cựa nhật nguyệt (cựa đen, cựa trắng), lưỡng nhãn (hai con mắt khác màu), bớt lưỡi (lưỡi không hồng hết mà có chấm đen), hoặc gà tử mị (tối nằm ngủ sải chân, sải cánh, duỗi cổ như chết).
Khi chọn gà, người ta tránh những con gà mỗi khi bước các ngón chân cứ chúm lại, bước từng bước đi như diễu hành, mặt cứ lắc qua lắc lại liên tục, hoặc thường đi vòng quanh lồng (né lồng). Từ đó mới có câu:
Nhất thời chúm chím bỏ ra
Nhì thời lắc mặt, thứ ba né lồng
Chọn được con gà tốt rồi, nhưng nếu không biết chăm sóc đúng cách thì cũng coi như không. Gà chọi ăn thức ăn thiên nhiên là tốt nhất, càng tránh cho ăn cám hoặc bồi bổ quá mức, khiến chúng quá béo, nặng nề và cũng mất tinh thần chịu đòn. Không nên cho chúng ăn gạo mà hãy cho ăn thóc; cho ăn ngô già. Thỉnh thoảng bổ sung cho chúng mấy cọng cỏ gà. Nói chung, chúng thích hợp với loại thức ăn cứng lúa. Người ta cũng hãy bắt thạch sùng, rắn nước cho gà ăn để tẩm bổ. Trước khi thi đấu chừng 1 tháng, mỗi ngày cho chúng ăn thêm ít lươn hoặc thịt bò. Với một con gà chuẩn bị đấu, khẩu phần của nó bao gồm: thóc 2 lạng rưỡi mỗi ngày; giá sống 1 lạng; lươn (hoặc thịt bò) 1 lạng; chuối 1 quả. Nếu nhồi thêm cho nó 1 quả trứng vịt lộn thì càng tốt.
Người nuôi gà chọi nào cũng biết, chỉ khi gà "chấm niên”- tròn 1 năm thì mới đưa vào chế độ dinh dưỡng bắt buộc chuẩn bị thi đấu. Gà non, dưới 1 năm tuổi nếu bị ép đấu ngay sẽ làm chột gà, chỉ sau 1-2 trận đấu sẽ bị thoái hóa do gân chúng chưa dai và tinh thần chịu đựng cũng chưa bảo đảm.
Với kinh nghiệm riêng, ông Tử cho biết, khi gà đã gáy rõ tiếng (tháng thứ 7) thì bắt đầu cắt lông ở các vùng đầu, cổ, ức, đùi để lộ da; đồng thời cắt tai, tích. Các buổi sáng sớm phải cho gà vận động (gọi là "quần sương”). Còn thì phải giã nhỏ nghệ, hoà với rượu, nước trà, nước tiểu trẻ con sát vào vùng da đã cắt lông trong vòng 3 tháng để cho da dày lên nhằm tăng khả năng chịu đòn và giảm thương tích khi thi đấu. Trước khi cho chúng thi đấu 1 tháng phải thực hiện thủ tục "dầm cẳng”: ngâm hai chân gà trong hỗn dịch nghệ, muối, nước tiểu để cho gà được cứng chân.
Đòn đá mé
Luận về màu lông, theo những người sành sỏi trong giới đá gà, thì chung quy lại chúng chỉ có những màu lông chủ chốt sau:
- Đen tuyền, gọi là gà ô.
- Đen- đỏ, gọi là gà Tía.
- Xám tro gọi là gà Xám.
- Giống lông chim ó gọi là gà ó.
- Lông trắng toàn thân, gọi là gà Nhạn.
- Lông 5 màu (đỏ, đen, vàng, trắng, xám), gọi là gà ngũ sắc.
3. Người bình thường không bao giờ nghĩ được rằng con gà chọi cũng có… võ. Các đòn miếng của chúng khá phong phú, mỗi dòng gà lại thuần thục những miếng riêng. Có thể kể đến các miếng quan trọng nhất:
- Song phi: Gà không bao giờ đá một chân, mà luôn luôn nhảy lên đá bằng hai chân. Tuy thế, cũng có một chân yếu hơn. Miếng song phi này được tất cả các dòng gà chọi áp dụng, chỉ khác nhau là song phi vào thời điểm nào của trận đấu mà thôi. Con nào đôi cánh và bộ lông đuôi tốt sẽ giúp cho cú song phi hiệu quả cao hơn.
- Nạp, xạ: Lúc mới xáp trận, còn dư sức, gà thường từ xa nhảy lên, vừa đá vừa đâm, gọi là "nạp”, hoặc "xạ” hay "đòn buông”. Đòn này mang tính thăm dò là chính.
-Đá lông: Gà dùng mỏ nắm chặt bất cứ một chỗ nào trên mình đối phương làm điểm tựa rồi lấy sức nhảy đá, "cánh quạt, cựa đâm, nắm lông mà đá”.
- Hồi mã thương: Đó là giả thua bỏ chạy. Khi địch thủ đuổi rát, nó bỗng đứng lại, nghiêng qua lấy thế, đá rất mạnh vào đầu vào cổ địch thủ. Cũng có lúc sau khi miếng hồi mã thương đắc thủ, nó đá liên tiếp ba bốn đòn, gọi là "hồi mã tam thương”.
Hai chú bé chơi trò đá gà ở làng Suradita, Đông Java (Indonesia).
Trong các cuộc chọi gà thật sự theo kiểu Indonesia,
gà chọi phải đeo dao ở chân
- Sỏ, mé: Cắn mép môi rồi đá trúng mặt, trúng cổ địch thủ.
- Đá vai: Dùng mỏ cắn vai đối thủ rồi đá thốc từ dưới lên.
- Đá lông yếm: Chui đầu xuống gần bụng, nắm lông ức rồi đá thốc lên khiến địch thủ lộn nhào.
- Lấn: Dùng cần cổ lấn gà địch không cho đứng thăng bằng, khiến địch thủ không thể trổ ngón ra đòn.
-Vỉa tối: Chui cổ vào cánh đối thủ, cắn mổ da non như da nách, đùi non. Kẹp chặt cánh vừa đá vừa đâm, rất lợi hại.
-Vỉa sáng: Luồn cổ vào cánh gà đối phương, thò đầu lên, bạ đâu nắm đó, đá mạnh khiến địch thủ xệ cánh.
-Đá hầu: Nắm, mổ đối phương, đá trúng cằm vào khu vực gọi là "chữ tử”.
-Liên hoàn cước: Mổ một lần, đá hai, ba cú liên tiếp.
-Độc cước: Mổ một lần, đá một cú đích đáng.
-Đá mã kỵ: Đá trúng lưng địch thủ.
-Thọc huyết: Nhảy thật cao, khi rơi xuống thì mình gà rơi gần địch thủ, nó mới tung chân đá thọc vào ngực đối thủ.
Gà chọi là thú chơi mang tính thượng võ, tiếc thay sau này nó bị biến tướng, không ít sới gà biến thành sới bạc. Nó làm hỏng một thú chơi dân gian. Với những người nuôi gà chọi chân chính, được chứng kiến những trận đấu hay, gà của mình trở thành "đệ nhất hùng kê” là mãn nguyện, chứ không phải là chuyện kiếm được bao nhiêu tiền.
Mỗi trận thi đấu ở sới gà của đôi kê chiến cân tài, cân sức,
bao giờ cũng thu hút người xem
Đôi mắt là nơi biểu hiện tính khí, sự lỳ đòn, hung hăng, tài ba…của một "chiến kê”. Mắt gà tốt thì mí trên nhỏ và có viền đen, con ngươi tròn và nhỏ. Mắt trắng dã: gan dạ, lỳ lợm và thường tung ra nhiều đòn độc. Mắt màu đồng thau: hung hăng, dữ tợn, lỳ đòn.
Còn một số màu mắt gà chọi không được ưa, là: màu mắt đen thui - loại gà này nhát gan, dễ chạy khi dính đòn mạnh. Màu mắt đỏ nhạt: là gà có tài nhưng kém chịu đòn. Màu mắt vàng: cũng là giống gà kém chịu đòn, tuy nhiên nếu màu mắt vàng cùng màu với mỏ và chân thì còn tạm được.
Đây là con chiến kê có tên là Anh hùng chân đất (AHCĐ) -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét